PHÂN TÍCH BÀI THƠ "NÓI VỚI CON" HAY NHẤT || "ĐỌC MỘT CÂU THƠ HAY, NGƯỜI TA KHÔNG THẤY CÂU THƠ, CHỈ THẤY CÒN TÌNH NGƯỜI TRONG ĐÓ"

Ngày 05/04/2024 16:30:11, lượt xem: 4999

Nếu ai đó thử đắm mình vào thế giới của cha, thì sẽ khám phá ra một kỳ quan tuyệt hảo nhất đó là trái tim thương yêu vô bờ bến, một tình thương dạt dào bát ngát như biển trời, chẳng khác nào tình thương của mẹ. Nhưng tình cha hiếm khi biểu lộ ra bên ngoài mà nó biểu lộ bằng sự âm thầm lặng lẽ lại mộc mạc đơn sơ. Hướng tầm mắt đến những trang văn viết về tình phụ tử, trong văn học Việt Nam, ta bắt gặp được những lời răn dạy của người cha dành cho đứa con bé nhỏ của mình qua bài thơ “Nói với con”. Hãy cùng Học Văn Chị Hiên tham khảo bài phân tích bài thơ "Nói với con" hay nhất ở bài viết dưới đây

 

Đề bài: Có ý kiến cho rằng: “Đọc một câu thơ hay, người ta không thấy câu thơ, chỉ còn thấy tình người trong đó”. Từ cảm nhận về bài thơ Nói với con của Y Phương, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên".

 

Bài viết
Thơ ca - loại hình nghệ thuật độc đáo không chỉ phản ánh cuộc sống bằng ngôn từ mà còn thể hiện ở những giá trị tư tưởng, tình cảm. Từ những bài thơ đi cùng năm tháng cho đến những bài thơ hiện đại đều mang đến một sức mạnh kì diệu, để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Ngoài phản ánh cuộc sống, thơ ca còn là nơi giãi bày những cảm xúc, tâm trạng, những điều riêng tư, bí mật của con người. Bởi vậy mà có ý kiến cho rằng: “Đọc một câu thơ hay, người ta không thấy câu thơ, chỉ còn thấy tình người trong đó”. Bài thơ “Nói với con” của Y Phương là một tác phẩm như thế.
Một câu thơ hay trước hết phải là câu thơ có giá trị, có khả năng làm lay động lòng người. Để sáng tạo được câu thơ hay, nhà thơ cần phải thấu hiểu con người và cuộc đời. Đọc một câu thơ ta không chỉ cảm nhận bằng cảm xúc mà còn cảm nhận bằng cả tâm hồn. Bởi thế mà tình cảm trong thơ càng mãnh liệt thì bài thơ càng dễ cảm hóa bạn đọc. Bằng hệ thống ngôn từ, bút pháp nghệ thuật cũng như cái tài của người nghệ sĩ, một câu thơ hay là khi ở đó ánh lên tình người sâu sắc. Trong thơ ca, tình người không dừng lại ở niềm yêu thương mà còn là sự đồng cảm, trân trọng và sẻ chia. 
“Nói với con” -  Y Phương là một bài thơ như thế, tác giả đã mượn lời của người cha để nhắn nhủ người con nhằm bộc lộ tình yêu quê hương, đất nước; niềm tự hào về vẻ đẹp của người dân quê hương. Ở những lời tâm tình đầu tiên, người cha đã nói về cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng: 
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.
Ta thấy hình ảnh “chân phải”, “chân trái”, “một bước”, “hai bước” cùng những âm thanh của “tiếng nói”, “tiếng cười” đã tạo nên hình ảnh người con chập chững bước những bước đi đầu tiên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Nếu như bốn câu thơ đầu người cha đã nói về cội nguồn gia đình thì ở những câu thơ sau, người cha đã tâm sự về cội nguồn quê hương của mình. Tình người trong tác phẩm được ánh lên khi tác giả gọi tên “Người đồng mình yêu lắm con ơi”. Cách gọi thân thương, chân thành cùng tình yêu đồng bào tha thiết đã giúp câu thơ trở nên gần gũi, quen thuộc. Vẻ đẹp của tình người không chỉ nằm trong cách xưng hô mà còn thể hiện ở sự khéo léo trong lao động, lạc quan trong câu hát. Và dường như người cha cũng không quên dặn con phải nhớ về cội nguồn của mình, những điều bình dị, thân thương nhất như “Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới/ Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.

 

ĐỌC THÊM: VẺ ĐẸP TÂM HỒN, TÍNH CÁCH CỦA NGƯỜI MIỀN NÚI TRONG TÁC PHẨM "NÓI VỚI CON"


Nếu ở những câu thơ đầu, tình người được thể hiện ở tình yêu thương con, mối quan hệ gần gũi, gắn bó với người đồng mình thì ở những câu thơ tiếp theo tình người được thể hiện qua những phẩm chất cao đẹp của đồng bào, những truyền thống tốt đẹp của quê hương.
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Có thể thấy, từ “thương” thể hiện sự đồng cảm, nỗi xót xa của người cha cho những khó khăn, vất vả của “người đồng mình”. Tuy nhiên họ vẫn có một ý chí lớn lao, bền bỉ “cao đo nỗi buồn”, “xa nuôi chí lớn”. Ở đây, cái tài của nhà thơ Y Phương là sử dụng hình ảnh tương phản, sóng đôi “cao - xa”, “nỗi buồn - chí lớn”. Đây là lối tư duy duy của người miền núi khi lấy cái cao của núi để đo đếm nỗi buồn và lấy cái xa của đất để đo ý chí con người. Hơn nữa ta còn thấy được sự thủy chung, gắn bó với quê hương, họ biết chấp nhận thử thách, nâng niu, trân trọng cuộc sống. “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”, nghệ thuật điệp từ, điệp cấu trúc đã khắc họa hoàn cảnh sống gian khổ, cực nhọc của người dân quê hương. Dù vậy mà họ vẫn sống giản dị, lạc quan, mạnh mẽ và phóng khoáng. Qua đó thể hiện được tình cảm cha con thắm thiết, người cha mong muốn con mình sẽ luôn tự hào về quê hương, sống như những người đồng mình, tự tin vững bước trên đường đời. Đồng thời cho thấy được niềm tự hào, tình yêu mà người cha dành cho quê hương của chính mình. 
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”
Mặc dù họ “thô sơ da thịt” nhưng “người làng mình” lại không hề yếu đuối. Đằng sau vẻ bình dị, mộc mạc nhưng họ có một lòng hướng về quê hương. Hình ảnh “tự đục đá kê cao quê hương” cho thấy hành động thường thấy ở miền núi cũng như ý thức xây dựng quê hương của người đồng bào. Với câu văn dài, ngắn khác nhau cùng nghệ thuật điệp ngữ tác giả đã cho thấy mặc dù cuộc sống còn vất vả, cực nhọc nhưng họ vẫn gắn bó tha thiết với quê hương.
“Con ơi, tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
Mặc dù người đồng mình “thô sơ da thịt” nhưng không bao giờ “nhỏ bé”. Câu thơ được lặp lại nhằm khắc sâu trong lòng con về những phẩm chất cao đẹp của người đồng mình. Ngoài ra lời nhắn nhủ đầy mộc mạc, dễ hiểu mà thấm thía còn thể hiện qua hai từ “lên đường” và “nghe con”. “Lên đường” cho thấy người con khi chuẩn bị hành trang bước vào chặng đường đời cần sự ý chí, nghị lực và luôn tự hào về truyền thống quê hương. Hai tiếng “nghe con” như ẩn chứa tình thương của người cha dành cho con cùng lời nhắn nhủ mộc mạc mà tràn đầy cảm xúc. Có thể nói tình người trong bốn câu thơ trên được thể hiện rất rõ bởi đó không chỉ là tình yêu của người cha dành cho con mà còn là tình yêu đồng bào, yêu quê hương, đất nước. Chính vì vậy trên đường đời, người con phải sống xứng đáng với người đồng mình, luôn tự hào về quê hương và không chùn bước trước khó khăn, thử thách. Những câu thơ trên làm ta liên tưởng tới những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: 
“Rách cho thơm, dẫu đói thì phải sạch
Tình thương yêu không mua được bằng tiền
Cần gỗ tốt, nước sơn còn phải tốt
Oán bên lòng, ơn khắc dạ đừng quên”.
Với những câu thơ dài ngắn khác nhau cùng hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc nhà thơ Y Phương đã tạo nên những câu thơ làm lay động bạn đọc. Nhà thơ Y Phương đã từng nói: “Cuộc đời tôi sống và viết như tờ giấy, có thể nhàu nát và rách nhưng không mất lề. Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình”. Bởi thế mà khi đọc tác phẩm của ông ta không thể thấy câu thơ mà chỉ thấy tình người trong đó. Một bài thơ hay đòi hỏi trách nhiệm của người cầm bút cần phải nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật. Để có được “tình người” trong thơ, tác giả cần có một tấm lòng trắc ẩn, sức cảm hóa mãnh liệt để đưa thơ ca đi sâu vào lòng người đọc. Ngược lại đối với người tiếp nhận, ta cần có sự tri âm, đồng cảm để có thể chia sẻ với nhà thơ. Đọc thơ ta không nên cứng nhắc mà cần sự mềm mại để thơ ca có sức sống lâu bền trong lòng thế hệ bạn đọc.
Đằng sau lớp vỏ ngôn từ, một câu thơ hay là khi ở đó ẩn chứa được tình người sâu sắc. Tuy nhiên ta cần phải biết đào sâu suy ngẫm, học cách bao dung, thấu cảm khi tiếp nhận một tác phẩm văn học. Bài thơ “Nói với con” của Y Phương đã thể hiện được tình cảm vừa gần gũi lại thiêng liêng của người cha đối với con và với quê hương, xứ sở. Bằng tất cả tình yêu, nhà thơ đã cho thấy vẻ đẹp của người miền núi qua những lời chân thành mang đậm tình cảm đồng bào, niềm tự hào sâu sắc. Và hơn hết, qua bài thơ, nhà thơ Y Phương đã thể hiện được giá trị của tình người vừa gắn bó, gần gũi vừa thiêng liêng, sâu sắc. 

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học chạy văn - lớp 9

Tin liên quan